Vì sao các dân phượt thường chọn những con đường nguy hiểm?

Không chỉ để khẳng định bản thân, nhiều người cho rằng các phượt thủ thường chọn những con đường nguy hiểm khám phá vì “cảm giác thú vị”.

Mới đây, vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng để lại nhiều nuối tiếc cho cộng đồng mạng nói chung, những người đam mê chinh phục nói riêng.

“Tà Năng – Phan Dũng là một cung đường đẹp, có nhiều đường đi và hướng rẽ. Trong đó, đường đi vào thác là nguy hiểm nhất, đặc biệt là vào mùa mưa”, Phan Đăng, phượt thủ từng có nhiều chuyến chinh phục các cung đường núi tại Việt Nam thông tin.

Chinh phục cung đường khó để khẳng định bản thân
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tai nạn thương tâm xảy ra trên hành trình khám phá của các phượt thủ. Năm ngoái, một nữ phượt thủ 20 tuổi bị lũ cuốn trôi khi trekking trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Trước đó, năm 2016, Aiden Webb, một phượt thủ người Anh, ngã xuống từ độ cao 18 m khi đang leo núi Fansipan.

Giải thích “hiện tượng” dân phượt thường chọn những cung đường nguy hiểm để khám phá, phượt thủ Phạm Duy Cường, một trong những người giàu kinh nghiệm trekking với những chuyến đi tại Nepal và Việt Nam, cho hay người trẻ thường có xu hướng muốn xác lập vị trí của mình trong cộng đồng. Đây là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Do đó, việc họ chọn làm những việc khó khăn và thách thức để xác lập một hình tượng mới là điều dễ hiểu.

“Trekking tại những cung đường nguy hiểm mà không có người địa phương dẫn đường là chuyện bình thường. Nếu ta có đủ kỹ năng và kinh nghiệm cùng sự chuẩn bị chu đáo như phương án xử lý, hỗ trợ sự cố và tai nạn thì hành động này là một việc đầy thú vị”, anh Cường nhận định.

Đây cũng là quan điểm của Đặng Hải Châu, phượt thủ kỳ cựu từng trekking nhiều cung đường ở Việt Nam và nước ngoài. Theo anh, việc bản thân trải nghiệm và vượt qua các thử thách khó khăn đem đến cảm giác tuyệt diệu. “Đơn giản như việc bạn giải được một bài toán khó, chưa ai có thể làm. Hay việc bạn vượt qua kỳ thi IELTS… thì với phượt thủ, chinh phục một cung đường gian nan là điều kỳ diệu”, anh nhấn mạnh.

Nam phượt thủ cũng cho biết, trên thực tế, các cung trekking ở Việt Nam thường khó hơn so với nhiều quốc gia khác, bởi địa hình Việt Nam khá đa dạng, thường dốc hơn và phải đu bám nguy hiểm hơn các cung trekking ở nước ngoài mà anh đã đi.

Đặc trưng vùng núi phía Bắc Việt Nam rất khác với các khu vực ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ rừng rậm nhiệt đới đến rừng cây lá kim, từ độ cao, độ dốc đến cấu tạo địa chất, mỗi nơi đều có cấu trúc khác nhau.

“Tuy nhiên, nếu bản thân thiếu kinh nghiệm trong khi đoàn cũng không có người bản địa hay người hiểu biết rõ địa hình khu vực khám phá thì rất phiêu lưu và nguy hiểm”, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi, một cái tên không xa lạ với cộng đồng trẻ yêu nhiếp ảnh và du lịch, nêu quan điểm.

Khi khám phá cung đường nguy hiểm, phượt thủ cần gì?
Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cho rằng khi trekking tại những khu vực như Tà Năng (đi bộ một chặng đường dài, xuyên qua rừng – nơi không có người sinh sống) thì điều trước tiên phải làm là chuẩn bị thể lực tốt.

“Những hành trình như vậy thường yêu cầu vận động nhiều. Trong khi đó, nếu bạn làm việc tại thành phố, hay ngồi trong văn phòng và ít vận động, tham gia trekking mà không chuẩn bị thể lực sẽ khiến bạn mệt mỏi, thậm chí dễ kiệt sức”, anh nói.

Ngoài ra, việc chuẩn bị thể lực cũng giúp bạn có thể bám sát đoàn và không tạo gánh nặng cho cả đội.

Trong khi đó, phượt thủ Phạm Duy Cường nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu kỹ địa hình nơi nhóm sẽ tới, những khó khăn sẽ phải trải qua và những sự cố có thể xảy ra.

Cũng đề cập đến về vấn đề này, Phan Đăng nhấn mạnh các phượt thủ nên tuân thủ những gì porter và leader hướng dẫn.

“Đặc biệt, bạn phải tự trang bị cho mình một tinh thần chiến đấu trước khi tham gia. Tất nhiên, hãy tin tưởng tuyệt đối vào leader của mình. Trong rừng, mọi người đều ngang nhau, không phân chia địa vị, giai cấp và giàu nghèo. Tiền bạc không thể mua được cái gì ở đây. Lòng tin chính là thứ bạn phải trao để có một chuyến trải nghiệm an toàn và thành công”, anh chia sẻ.

Những vật bất ly thân
Khi quyết định tham gia trekking dài ngày, các phượt thủ nên chuẩn bị các loại thức ăn như lương khô và gel dinh dưỡng với số lượng đủ để phòng trường hợp bị lạc. Những món này gọn, nhẹ, có thể ăn nhanh và cung cấp nhiều năng lượng. Tất nhiên, không thể quên nước uống.

“Lần nhóm mình trekking cung Tà Năng – Phan Dũng trong 2 ngày, mỗi người trong đoàn mang theo khoảng 3 lít nước”, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cho biết.

Đồng ý với quan điểm, Phan Đăng cho hay ngoài nước uống và thức ăn, lều trại, túi ngủ và hộp cứu thương cũng là những thứ quan trọng khi bạn đi rừng. Ngoài ra, những vật dụng khác như còi báo hiệu, dao đa năng, bật lửa, đèn pin, thuốc chống côn trùng và sạc pin dự phòng cũng vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, phượt thủ Hải Châu bổ sung các món đồ như cưa dây, dây lạt nhựa loại to, chăn bạc cứu hộ, móc khóa chịu lực Carabiner, giày có khả năng chống nước, xà cạp cao đến đầu gối, các thiết bị định vị, điện thoại tải bản đồ offline của địa điểm trekking, bộ đàm, bếp ga cá nhân và túi chống nước.

Đặc biệt, những người dày dặn kinh nghiệm trên đều cho biết 4 vật dụng họ không bao giờ quên, luôn mang theo và luôn giữ khô ráo là bật lửa cùng một mẩu dây cao su để nhóm lửa, dao gấp, áo khô để thay khi ướt hoặc mặc thêm khi mất nhiệt và áo mưa.

Tuy nhiên, chỉ những đồ này là chưa đủ. Trước khi trekking tại các cung đường nguy hiểm, các phượt thủ nên học qua những kỹ năng sinh tồn như làm sao để tạo nơi trú ẩn trong rừng, làm sao để tìm thấy thức ăn, làm sao để tìm ra nguồn nước… Những kỹ năng đó vô cùng hữu ích.

Lạc trong rừng có nên đi men theo suối?
Nhận định về vấn đề này, phượt thủ Duy Cường cho rằng nếu lạc trong rừng, tìm ra một con suối và men theo nó về hạ lưu là điều nên làm.

“Thứ nhất, bạn sẽ không chết khát. Thứ hai, bạn sẽ không bị mất phương hướng, đi lòng vòng trong rừng và gây hoảng loạn, kiệt sức. Thứ ba, bạn dễ gặp người vì người đi rừng và dân bản địa thường bám vào suối để nghỉ ngơi, cắm trại và sinh sống”, anh nói.

“Tuy nhiên, khi vượt qua suối, bạn nên cẩn trọng. Nếu suối lớn và dòng chảy mạnh, trước khi qua, bạn phải quan sát một lúc xem tốc độ dòng chảy có thay đổi không và lắng nghe tiếng động từ thượng nguồn đổ về. Nếu thấy nước từ trong biến thành đục, điều này có nghĩa sắp có lũ tràn về”, anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi bị lạc, các phượt thủ hãy giữ bình tĩnh, quan sát khu vực xung quanh, kiểm tra sóng điện thoại và tạo tín hiệu để người khác dễ dàng tìm ra vị trí của bạn.

“Bạn nên nhớ khi phát hiện bạn bị lạc mọi người sẽ đi tìm bạn, nên bạn đừng di chuyển thêm nữa vì như thế mọi người sẽ rất khó kiếm tìm”, anh nêu quan điểm.

0 Shares:
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like